Giãn mao mạch máu tuy không gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Tia laser sẽ phát ra năng lượng rất cao, tác động sâu và kéo dài trên mô, đi sâu vào mạch máu để phá vỡ sự vón tắc của các mao mạch ở vùng da cần điều trị. Cùng Bác sĩ Hạ tìm hiểu kĩ.
Giãn mao mạch máu là gì?
Giãn mao mạch là tình trạng các mao mạch trên da giãn ra, dẫn đến sự xuất hiện của các đường mạch có màu xanh, đỏ hoặc tím mà bình thường không thể nhìn thấy được.
Những mạch máu này có thể là mạch máu đỏ, mạch máu xanh hoặc các đoạn nối thông màu xanh tím nằm ở lớp bì, thường là lớp bì nông. Kích thước của các đường giãn mạch thường tương đối nhỏ, có đường kính khoảng 0,1mm đến 1mm. Tình trạng giãn mao mạch không ảnh hưởng đến chức năng hệ mạch tại vùng chi phối đó, tuy nhiên lại gây nên cảm giác tự ti, mặc cảm về ngoại hình, vì kiểu giãn mao mạch này thường xảy ra ở vùng mặt, đùi và bắp chân dẫn đến làm giảm chất lượng cuộc sống.
Giãn mạch máu cho tới hiện tại vẫn chưa rõ nguyên nhân, tuy nhiên vẫn có nhiều giả thiết về tình trạng này như:
- Di truyền: Một số người trong gia đình đã gặp phải tình trạng giãn mao mạch này từ rất sớm.
- Môi trường: Da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và nhiệt độ cao dễ bị giãn mao mạch hơn.
- Bệnh lý: Những người bị xơ gan, nghiện rượu, lupus ban đỏ, trứng cá đỏ, lão hóa da,… cũng dễ gặp phải tình trạng này.
- Sử dụng thuốc: Các loại thuốc corticoid dạng uống và bôi, thuốc nội tiết tố nữ cũng làm tăng nguy cơ giãn mao mạch.
- Căng thẳng: Giãn mạch ở chân và đùi có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn ở những người làm công việc phải đứng nhiều.
Các phương pháp điều trị giãn mạch máu
Ngày nay với sự phát triển của xã hội con người ngày càng có yêu cầu cao hơn về ngoại hình nên việc loại bỏ tình trạng giãn mao mạch này ngày càng thu hút được nhiều sự quan tâm. Vì vậy, để điều trị tình trạng kể trên thì y học hiện đại có rất nhiều phương pháp như:
- Tiêm xơ: Bác sĩ sẽ sử dụng chất gây xơ hóa và tiêm vào các mao mạch máu bị giãn một cách chính xác. Chất này có thể kết tụ khiến lòng mạch bị tắc nghẽn và gây xơ hóa từ từ. Phương pháp này khá hiệu quả, gần như không cần thời gian nghỉ dưỡng và có kết quả sẽ có ngay lập tức. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn có thể có tác dụng phụ nếu chất xơ hóa bị lọt vào các mạch máu lớn hơn, thuốc rò rỉ ra khỏi thành mạch và khách hàng bị dị ứng với thuốc.
- Sử dụng dao điện: Dùng đầu xâm lấn nhỏ đâm vào da tại vị trí mạch máu giãn ra để đông tụ cả mạch máu và mô xung quanh. Phương pháp này có chi phí thấp nhưng cần thời gian nghỉ ngơi và nguy cơ để lại sẹo cao hơn nên hiện nay ít được sử dụng để điều trị giãn mao mạch.
- Ánh sáng IPL: Là loại ánh sáng xung cường độ cao có cơ chế tương tự như tia laser nhưng do dải bước sóng trải rộng nên khả năng tập trung và tiên đoán kết quả khó hơn. Phương pháp điều trị này kém hiệu quả hơn và có nhiều tác dụng phụ hơn laser.
- Phương pháp Laser: Là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất hiện nay để điều trị chứng giãn tĩnh mạch bởi độ an toàn cực cao và hiệu quả rõ rệt. Tia laser tạo ra một lượng nhiệt lớn tại các mạch máu khiến chúng đông tụ lại, sau đó các mô chết sẽ dần bị đào thải và được thay thế từ từ. Phương pháp này không đau, không xâm lấn và không cần thời gian nghỉ dưỡng.
Ưu điểm của việc điều trị giãn mao mạch máu bằng laser
Laser sử dụng lý thuyết quang nhiệt chọn lọc trong điều trị giãn mao mạch, tức là chỉ chọn lọc mô đích, còn tia laser gần như bỏ qua các mô xung quanh và bị mô đích hấp thụ nhiều hơn dẫn đến tình trạng mô đích bị gia tăng nhiệt độ lên đến nhiệt độ điều trị trong khi mô xung quanh không bị tổn thương bởi nhiệt độ.
Trong điều trị giãn mao mạch bằng laser, cần lưu ý mô đích ở đây là oxyhemoglobin hoặc deoxyhemoglobin chứ không phải thành mạch máu vì thành mạch máu không có màu sắc riêng và sự gia tăng nhiệt độ của hồng cầu trong mạch máu cũng sẽ làm tăng nhiệt độ thành mạch máu, gây ra những tổn thương không đáng có cho các mạch máu này.
Laser Nd Yag xung dài là loại tia laser chuyên được chỉ định trong việc xóa bỏ những đường mao mạch giãn dưới da. Loại tia này có bước sóng là 1064nm, có độ dài xung lớn nên có thể tác động kéo dài trên mô và sâu dưới lớp da. Vùng da tiếp xúc với ánh sáng laser được thúc đẩy sản sinh collagen, giúp da được căng mịn và trẻ hóa.
Trên đây là những chia sẻ về ưu điểm của việc điều trị giãn mao mạch bằng laser. Hy vọng với những thông tin trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tình trạng giãn mao mạch cũng như các phương pháp điều trị khác, qua đó lựa chọn cách điều trị phù hợp với bản thân.