Sẹo rỗ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tìm hiểu chung sẹo rỗ

Mụn trứng cá là một tình trạng về da phổ biến nhất trên thế giới. Ước tính khoảng 80% dân số trong độ tuổi từ 11 đến 30 mắc tình trạng mụn trứng cá.

Khi các mụn trứng cá biến mất, sẹo có thể phát triển, tuy nhiên không phải mọi mụn trứng cá đều gây ra sẹo. Có nhiều loại tổn thương da khác nhau có thể hình thành sau khi mắc mụn trứng cá. Trong đó, sẹo phát triển sau mụn trứng cá sẽ có hai dạng chính:

  • Sẹo rỗ hay sẹo lõm: Sẹo phát triển sau khi mất mô, dẫn đến vết lõm trên bề mặt da.
  • Sẹo lồiLà vết sẹo nổi gồ trên bề mặt da do quá trình da tạo ra collagen để giúp chữa thành tổn thương do mụn trứng cá. Quá nhiều collagen thì sẽ hình thành sẹo lồi.

Trong đó, sẹo rỗ là một tình trạng phổ biến và khá rắc rối. Sẹo rỗ có thể mờ dần theo thời gian, nhưng hiếm khi tự biến mất hoàn toàn. Bên cạnh nhiều phương pháp điều trị khác nhau để giảm tình trạng sẹo rỗ, việc phòng ngừa ngay từ đầu là rất quan trọng. Ví dụ như việc điều trị mụn trứng cá theo hướng dẫn của bác sĩ da liễu để có thể giảm nguy cơ phát triển sẹo rỗ sau mụn.

Những dấu hiệu và triệu chứng của sẹo rỗ

Khi mụn biến mất, da của bạn sẽ tự chữa lành bằng cách tạo ra collagen. Nếu da tạo ra quá ít collagen để lấp đầy các khoảng trống do mụn để lại, bạn sẽ xuất hiện sẹo rỗ (hay sẹo lõm). Có nhiều loại sẹo rỗ với hình dạng và kích cỡ khác nhau, bao gồm:

  • Sẹo rỗ đá nhọn (ice pick scar): Đây là sẹo rỗ phổ biến nhất, có kích thước nhỏ và ăn sâu vào da, với hình dạng như bị những viên đá nhọn đâm thủng. Đây cũng là tình trạng sẹo rỗ khó lành nhất, thường xuất hiện ở vùng trán, má trên hay các vùng da mỏng hơn.
  • Sẹo rỗ hình lượn sóng (rolling scar): Loại sẹo rỗ này rộng và nông hơn, khi có nhiều vết sẹo dạng này, da của bạn trông không đều và như gợn sóng. Sẹo rỗ hình lượn sóng có thể thường thấy ở má dưới và hàm, nơi vùng da dày hơn.
  • Sẹo rỗ chân vuông (boxcar scar): Sẹo rỗ chân vuông là các vết sẹo lõm có hình tròn hay hình bầu dục, chúng rộng hơn vết sẹo rỗ đá nhọn nhưng không rộng bằng sẹo rỗ hình lượn sóng.
Sẹo rỗ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Sẹo rỗ đá nhọn là tình trạng sẹo rỗ khó lành nhất

Biến chứng có thể gặp khi mắc sẹo rỗ

Những vết sẹo rỗ không gây nguy hiểm đến sức khỏe của bạn, tuy nhiên, vẻ ngoài của chúng có thể ảnh hưởng đến các vấn đề về tâm lý và cuộc sống hằng ngày của bạn, bao gồm rối loạn giấc ngủ hay trầm cảm.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Như đã đề cập ở trên, sẹo rỗ do mụn để lại không gây nguy hiểm cho bạn. Tuy nhiên, nếu không điều trị, sẹo có thể tồn tại suốt đời. Các tình trạng sẹo rỗ có thể gây ra vấn đề về tâm lý, sự tự tin, cản trở đời sống hằng ngày và các mối quan hệ của bạn. Do đó, bạn cần đến gặp bác sĩ để điều trị mụn trứng cá (nếu có), trước khi chúng gây ra các vết sẹo rỗ cho bạn. Đồng thời, nếu đã hình thành sẹo, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn cách điều trị tình trạng này.

Nguyên nhân sẹo rỗ

Sẹo rỗ xảy ra khi cơ thể bạn cố gắng chữa trị mụn trứng cá. Nếu cơ thể sản xuất quá ít collagen, những vết rỗ hay vết lõm sẽ hình thành khi da của bạn lành lại. Đồng thời, một vài yếu tố khác làm tăng khả năng phát triển sẹo mụn bao gồm:

  • Mụn trứng cá sâu: Các loại mụn viêm, càng ăn sâu vào da thì càng dễ để lại sẹo. Một số trường hợp cũng xuất hiện sẹo sau khi mắc mụn đầu đen hoặc mụn đầu trắng.
  • Nặn mụn: Việc cố gắng loại bỏ mụn trứng cá theo cách nặn, gãi hoặc chà xát có thể làm tăng tình trạng viêm và dẫn đến sẹo.
  • Di truyền: Việc thừa hưởng gen trong gia đình có thể khiến da dễ bị sẹo hơn.
Sẹo rỗ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Nặn mụn có thể làm tăng tình trạng viêm và dẫn đến sẹo

Nguy cơ sẹo rỗ

Những ai có nguy cơ mắc phải sẹo rỗ?

Sẹo rỗ là một tình trạng rất phổ biến, với khoảng 80% số người trong độ tuổi từ 11 đến 30 sẽ bị mụn trứng cá và cứ 5 người trong số đó sẽ có 1 người bị sẹo. Trong đó, thanh thiếu niên là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Có một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc sẹo rỗ, tuy nhiên, không thể dự đoán được ai có thể bị sẹo rỗ do mụn để lại. Đôi khi một số người có tất cả các yếu tố nguy cơ nhưng không bị sẹo, hoặc ngược lại, một người không có nguy cơ cao cũng có thể bị sẹo rỗ do mụn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải sẹo rỗ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc phải sẹo rỗ bao gồm:

  • Phát triển mụn sâu;
  • Có thành viên trong gia đình mắc tình trạng sẹo rỗ;
  • Nặn, bóp, gãi vào các nốt mụn.
Sẹo rỗ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Bạn có khả năng mắc sẹo rỗ cao hơn nếu có thành viên trong gia đình mắc sẹo rỗ

Phương pháp chẩn đoán & điều trị sẹo rỗ

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm sẹo rỗ

Bác sĩ Da liễu sẽ thực hiện kiểm tra và xác định xem các tổn thương da của bạn có phải là sẹo rỗ hay không, là loại sẹo rỗ nào bằng cách quan sát. Việc chẩn đoán chỉ cần dựa vào kiểm tra trực quan của bác sĩ Da liễu mà không cần thêm bất cứ xét nghiệm nào. Bác sĩ Da liễu cũng có thể xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng sẹo rỗ, từ đó tư vấn các phương pháp điều trị tốt nhất cho bạn.

Điều trị sẹo rỗ

Trước khi lập một kế hoạch điều trị sẹo rỗ, bác sĩ Da liễu sẽ xem xét loại sẹo rỗ, số lượng sẹo, độ tuổi, màu da, điều kiện kinh tế của bạn và cân nhắc nhiều khía cạnh khác.

Nếu bạn còn đang bị mụn trứng cá, kế hoạch điều trị có thể bắt đầu bằng việc điều trị mụn trứng cá. Việc ngăn chặn mụn trứng cá ngay từ đầu sẽ giúp giảm viêm và ngăn ngừa sẹo rỗ mới. Điều trị sẹo rỗ sẽ được bắt đầu sau khi bạn kiểm soát được mụn và ngăn ngừa mụn mới.

Các phương pháp điều trị sẹo rỗ có thể bao gồm:

  • Peel da: Peel da hoá học sẽ giúp da sản sinh ra nhiều collagen và đàn hồi hơn, khi đó, sẹo rỗ có xu hướng được làm đầy hơn. Bạn nên peel da dưới chỉ định của bác sĩ Da liễu, để có được mức độ peel phù hợp, mang lại hiệu quả điều trị và tránh các tác dụng phụ của peel da.
  • Chất làm đầy (Fillers): Tiêm chất làm đầy có thể giúp làm đầy các vết sẹo rỗ sâu, chất làm đầy cũng có thể giúp cơ thể sản xuất nhiều collagen và đàn hồi hơn để lấp đầy vết sẹo rỗ. Bạn nên thực hiện thủ thuật này tại cơ sở y tế uy tín để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
  • Liệu pháp laser: Các bác sĩ Da liễu sử dụng tia laser để tái tạo bề mặt da bị sẹo rỗ.
  • Thuốc bôi ngoài da: Đối với các trường hợp sẹo rỗ nhẹ, retinoid hoặc acid salicylic có thể làm vết sẹo mờ đi.
  • Lăn kim: Trong quy trình lăn kim, bác sĩ Da liễu sẽ sử dụng những chiếc kim siêu nhỏ để chọc thủng vùng da có sẹo rỗ. Việc này có thể giúp sản sinh các collagen mới làm mờ sẹo mụn.

Một số phương pháp điều trị sẹo rỗ khác có thể được bác sĩ thực hiện như phẫu thuật sẹo, huyết tương giàu tiểu cầu để nâng cao hiệu quả của lăn kim hay lăn kim tần số vô tuyến.

Sẹo rỗ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Peel da hoá học là một trong những phương pháp điều trị sẹo rỗ

Chế độ sinh hoạt & phòng ngừa sẹo rỗ

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của sẹo rỗ

Chế độ sinh hoạt:

Để hạn chế diễn tiến của sẹo rỗ, việc chăm sóc da sau khi điều trị sẹo là rất quan trọng. Việc chăm sóc sau điều trị sẹo rỗ giúp bạn đạt được kết quả tốt nhất, do đó, bạn cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ:

  • Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Tạm thời ngưng trang điểm cho đến khi bác sĩ cho phép bạn trang điểm trở lại.
  • Thoa kem chống nắng hằng ngày lên vùng da được điều trị.
  • Không nên dành quá nhiều thời gian ở dưới nắng hay ở ngoài trời (ngay cả những ngày mây mát mẻ).
  • Giữ làn da sạch sẽ theo hướng dẫn để tránh nhiễm trùng.
  • Tái khám đúng hẹn để được theo dõi tình trạng sẹo rỗ của bạn.
  • Tiếp tục điều trị mụn trứng cá khi cần, để có thể hạn chế các sẹo rỗ mới.

Chế độ dinh dưỡng:

Bạn nên tuân thủ theo chế độ dinh dưỡng mà bác sĩ Da liễu yêu cầu, bao gồm cả việc hạn chế đồ béo ngọt (nếu bạn bị mụn trứng cá). Việc sử dụng quá nhiều đồ béo ngọt có thể làm tăng tình trạng mụn trứng cá, từ đó dẫn đến việc hình thành sẹo rỗ do mụn.

Phòng ngừa sẹo rỗ

Không phải lúc nào bạn cũng phòng ngừa được sẹo rỗ, tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ sẹo rỗ bằng cách thực hiện các việc sau:

  • Tuyệt đối không cào gãi, nặn mụn: Việc gây tổn thương thêm cho da sẽ thúc đẩy viêm nhiễm, khiến bạn dễ xuất hiện sẹo.
  • Điều trị mụn: Nếu bạn có mụn trứng cá, nên điều trị ngay lập tức, càng để lâu thì khả năng bị sẹo càng cao.
  • Không hút thuốc: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ để lại sẹo.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *