Tiêm filler thay đổi hình dạng mũi là một giải pháp làm đẹp không cần phẫu thuật thẩm mỹ. 80% trường hợp nâng mũi bằng cách tiêm filler có sử dụng chất làm đầy axit hyaluronic (HA). Vậy tiêm filler mũi có nên không? Ưu và nhược điểm khi thực hiện là gì?
Tiêm filler mũi là gì?
Tiêm filler mũi là phương pháp tạo hình mũi không cần lên bàn mổ, thay vào đó, bác sĩ sử dụng chất làm đầy để tiêm vào mũi, định hình lại dáng mũi. Chất làm đầy da có chứa axit hyaluronic (HA) giúp tăng thể tích khi được tiêm ngay bên dưới da, mang lại hiệu quả kéo dài từ 12-18 tháng.
Tiêm filler làm thay đổi hình dạng mũi từ nhẹ đến trung bình nhưng không lấy đi bất kỳ mô nào hoặc làm cho mũi nhỏ lại. Do đó, nhiều chị em cảm thấy hài lòng vì cải thiện tình trạng sống mũi sâu, mũi lồi hoặc lõm, không đối xứng. (1)
Tiêm filler mũi có tác dụng gì?
Tiêm filler mũi có tác dụng như: (2)
- Giảm bớt chỗ gồ trên sống mũi.
- Sống mũi trông thẳng hoặc rõ nét hơn.
- Làm mịn các vết lõm nhỏ hoặc đường viền không đều.
- Nâng đầu mũi cao hơn.
- Thay đổi diện mạo của sống mũi cao hơn.
Có nên tiêm filler ở mũi không?
Có. Nếu bạn muốn thay đổi nhỏ về ngoại hình nhưng sợ mổ thì sửa mũi bằng cách tiêm filler có thể phù hợp với bạn. Tiêm filler mũi được nhiều người lựa chọn vì chi phí không quá cao, không phải phẫu thuật xâm lấn. Bên cạnh đó, phương pháp tiêm filler mũi còn có các ưu điểm như: (3)
- Thời gian thực hiện nhanh chóng: khách hàng chỉ mất 5-10 phút tiêm filler đã sở hữu dáng mũi mong muốn.
- Phương pháp tiêm filler không can thiệp dao kéo, không cần gây mê toàn thân nên không gây ra nhiều tổn thương cho cơ thể.
- Ít gây ra sẹo hay cảm giác viêm sưng, đau nhức, chảy máu trong suốt quá trình thực hiện.
- So với các phương pháp nâng mũi khác, dịch vụ tiêm filler mũi có mức giá rẻ hơn.
- Phù hợp với người có da mũi quá mỏng: nếu như phương pháp nâng mũi khác dễ gây tổn thương cho người có phần da mũi quá mỏng thì phương pháp tiêm filler phù hợp hơn.
Đối tượng nào nên tiêm và không nên tiêm filler mũi?
Không phải ai cũng được bác sĩ chỉ định tiêm filler mũi. Do đó, trước khi tạo hình dáng mũi, bác sĩ chuyên khoa Da liễu- Thẩm mỹ Da sẽ khám, tư vấn kỹ, tránh tự ý lạm dụng tiêm filler ảnh hưởng đến sức khỏe. Một số lưu ý về đối tượng tiêm filler mũi bao gồm:
1. Chỉ định
Tiêm filler mũi được chỉ định để điều chỉnh khiếm khuyết nhẹ về mặt thẩm mỹ mũi với người không thể phẫu thuật tạo hình hoặc muốn nâng mũi với chi phí thấp, không phải nghỉ dưỡng.
2. Chống chỉ định
Tiêm filler mũi chống chỉ định ở người có bướu lớn, lệch nghiêm trọng, đầu mũi xoay quá mức hoặc đường viền bất thường. Ngoài ra, chống chỉ định tiêm filler với các trường hợp có tiền sử bệnh tự miễn, rối loạn đông máu, quá mẫn cảm với một trong các thành phần của chất làm đầy (ví dụ: lidocain), có dấu hiệu viêm hoặc nhiễm trùng gần chỗ tiêm, mang thai hoặc đang cho con bú, người từng thực hiện phẫu thuật tạo hình mũi bằng silicone hoặc bằng chất liệu tiêm không rõ ràng trước đó.
Các chống chỉ định tương đối khi tiêm filler mũi bao gồm: người bệnh dùng thuốc chống đông máu, thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc chống viêm không steroid để tăng nguy cơ chảy máu, bầm tím. Trường hợp dùng thuốc thảo dược nên ngừng sử dụng trong vài ngày trước và sau khi điều trị để giảm biến chứng (chảy máu, bầm tím). Ngoài ra, với trường hợp có tiền sử cấy ghép mũi hoặc phẫu thuật tạo hình mũi trước đó vì dễ nhiễm trùng, thiếu máu cục bộ.
Ưu và nhược điểm của phương pháp tiêm filler mũi
Ưu và nhược điểm của phương pháp tiêm filler mũi bao gồm:
1. Ưu điểm
- Thời gian tiêm chỉ mất khoảng 5-10 phút.
- Hiệu quả ngay, không phải nghỉ dưỡng. Sau khi tiêm filler xong có thể trở lại làm việc ngay trong ngày.
- Không gây mê nên tỉnh táo trong suốt quá trình thực hiện.
- Nếu kết quả không như mong muốn hoặc xảy ra biến chứng nghiêm trọng, bác sĩ sẽ tiêm hyaluronidase để làm tan chất làm đầy.
- Không để lại sẹo.
2. Nhược điểm
- Kết quả chỉ tạm thời, cần thực hiện thêm các phương pháp điều trị khác để duy trì.
- Một số trường hợp gây biến chứng nghiêm trọng, tắc nghẽn mạch máu. Cụ thể, khi chất làm đầy được tiêm vào quá nhiều gây chèn ép mạch máu vùng mũi, gây hoại tử mô.
- Một số động mạch ở mũi có nhánh thông với với võng mạc của mắt, các biến chứng mạch máu có thể gây mù lòa. Tuy nhiên, các biến chứng này hiếm xảy ra khi được bác sĩ có chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm thực hiện.
Quy trình tiêm filler mũi diễn ra thế nào?
Quy trình tiêm filler mũi diễn ra theo các trình tự như sau:
1. Chuẩn bị thực hiện
Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi làm thủ thuật với các vấn đề liên quan bao gồm:
- Mục tiêu, kết quả mong đợi của bạn khi tiêm filler.
- Tiền sử bệnh, tình trạng y tế, dị ứng, thuốc bao gồm vitamin, thảo dược bổ sung, rượu, thuốc lá, có sử dụng ma túy hay không.
- Các phương pháp điều trị trước đây như: chất làm đầy mô mềm, botox, liệu pháp laser, thủ thuật hoặc phẫu thuật trên mặt.
- Lựa chọn để điều trị, khuyến nghị của bác sĩ.
- Thủ thuật cần yêu cầu.
- Loại chất làm đầy khuyên dùng.
- Các rủi ro, biến chứng tiềm ẩn của thủ thuật.
2. Quy trình thực hiện tiêm filler mũi:
- Kiểm tra tình trạng sức khỏe hoặc các yếu tố rủi ro để loại trừ biến chứng.
- Chụp ảnh.
- Đo khuôn mặt, đánh giá, lập bản đồ khuôn mặt bao gồm: các khu vực tăng cường được xác định và kiểm tra, các điểm đánh dấu vị trí tiêm.
- Làm sạch da, gây tê: các vị trí tiêm được làm sạch bằng chất kháng khuẩn. Gây tê tại vị trí ngõ vào của cannula.
- Tiêm: các chất làm đầy được tiêm vào các vị trí đã đánh dấu. Kết quả được đánh giá sau khi thực hiện.
- Dọn dẹp, phục hồi: các vị trí đánh dấu được làm sạch. Hướng dẫn chăm sóc và theo dõi tại nhà.
Tiêm filler mũi có hại về sau không?
Tiêm filler có thành phần chủ yếu là acid hyaluronic, có cấu tạo rất giống với các chất trong cơ thể nên filler hoàn toàn tương thích, an toàn cho người sử dụng. Đặc biệt, quá trình tiêm cũng không xâm lấn sâu vào cơ thể nên không gây tổn thương về sau. Hầu hết, khách hàng tiêm filler mũi đều không có hiện tượng kích ứng hay đào thải.
Quan trọng bạn chọn cơ sở uy tín được Bộ Y tế cấp phép danh mục thực hiện để đảm bảo an toàn. Các cơ sở này sẽ sử dụng chất làm đầy có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Ngoài ra, BVĐK Tâm Anh nhập khẩu sản phẩm chất làm đầy từ các hãng dược phẩm lớn, uy tín từ các nước Âu – Mỹ.
Nếu không tìm được cơ sở thẩm mỹ có uy tín, bác sĩ tay nghề cao thực hiện sẽ có khả năng gây nhiễm trùng hoặc hoại tử sau khi tiêm filler. Do đó, cần lựa chọn cơ sở thẩm mỹ uy tín, có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại, dùng sản phẩm chất lượng để thực hiện tiêm filler nhằm mang lại kết quả cao, an toàn.
Rủi ro biến chứng có thể gặp khi tiêm filler mũi
Một số rủi ro biến chứng có thể gặp khi tiêm filler mũi, bao gồm: chảy máu tại chỗ tiêm, phát ban da giống mụn trứng cá, gây bất đối xứng, bầm tím, sưng, để lại vết thương hoặc sẹo do tổn thương da, nhiễm trùng tại chỗ tiêm, khối u hoặc cảm thấy chất làm đầy dưới bề mặt da, phát ban da gây ngứa, đỏ da.
Chất làm đầy nếu được tiêm quá nhiều hoặc tiêm vào mạch máu thay vì dưới da, sẽ chèn ép nguồn cung cấp máu cục bộ, làm tắc nghẽn mạch máu, gây hoại tử mô, để lại sẹo, thậm chí gây mất thị lực vĩnh viễn (người từng phẫu thuật mũi trước đó tăng nguy cơ này xảy ra).
Tuy nhiên, nếu tiêm filler được thực hiện bởi bác sĩ có trình độ, kinh nghiệm, chất là đầy chất lượng sẽ ít gây ra rủi ro, biến chứng nguy hiểm.
Những lưu ý cần biết trước và sau khi tiêm filler mũi
Những lưu ý cần biết trước và sau khi tiêm filler mũi bao gồm:
1. Trước khi tiêm
Trước khi tiêm, bạn cần lưu ý như:
- Không tự tiêm chất làm đầy da.
- Không tự mua các sản phẩm làm đầy da, vì dễ là hàng giả hoặc sản phẩm không được phép sử dụng, sản phẩm kém chất lượng.
- Hỏi bác sĩ về các vị trí tiêm và những rủi ro có thể xảy ra.
- Gặp bác sĩ để thảo luận về các mục tiêu thẩm mỹ mũi, nhu cầu bạn mong muốn thay đổi gì về chiếc mũi của mình. Bác sĩ sẽ chụp ảnh mũi của bạn, lên phác đồ điều trị phù hợp.
2. Sau khi tiêm
- Sau khi tiêm filler mũi, bác sĩ sẽ làm sạch da của bạn.
- Bạn có thể bị bầm tím, sưng hoặc khó chịu sau khi tiêm nhưng những tác dụng phụ này nhẹ, sẽ hết sau vài ngày.
- Hạn chế sờ tay lên mũi, tránh dùng lực chà vào vết tiêm.
- Bổ sung thêm rau xanh, trái cây, sữa chua… vào bữa ăn.
- Không nên trang điểm trong 7 ngày sau tiêm filler.
Hướng dẫn chăm sóc và hồi phục sau khi tiêm filler mũi
Đa số, chị em sau khi tiêm filler có thể trở lại làm việc, hoạt động bình thường. Tuy nhiên, các hạn chế trong một tuần sau thủ tục cần lưu ý như:
- Tránh tập thể dục quá sức.
- Tránh đeo kính.
- Tránh chạm hoặc dụi mũi.
- Nằm ngửa khi ngủ.
Chất làm đầy dùng để tiêm filler cần phải đảm bảo về chất lượng nên cần đến cơ sở uy tín, bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm thực hiện.
Một số câu hỏi liên quan về tiêm filler ở mũi
Sau đây là một số câu hỏi liên quan về tiêm filler ở mũi, khách hàng có thể tham khảo như:
1. Tiêm filler ở mũi có đau không?
Không. Bác sĩ sẽ tiến hành dùng đầu kim siêu nhỏ chuyên dụng đưa chất làm đầy vào sống mũi sau đó từ từ rút kim ra. Dù kỹ thuật tiêm filler khá đơn giản nhưng khách hàng vẫn sẽ được bôi thuốc tê trước khi thực hiện nên không cảm giác đau trong quá trình tiêm tới khi hoàn thành.
2. Tiêm filler mũi có nặn mụn được không?
Trong 1 tháng đầu sau khi tiêm filler mũi, tuyệt đối không tự ý nặn mụn tại khu vực mũi. Ở giai đoạn này, mũi chưa định hình ổn định, ngay cả sờ tay hoặc tác động nhẹ lên mũi cũng không nên.
Một số trường hợp sau khi tiêm filler, mũi bỗng nhiên mụn nổi lên rất nhiều ở khu vực này nhưng không được tự ý loại bỏ chúng. Việc tự ý nặn mụn ngay sau tiêm filler có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi, dáng mũi sau này.
Trường hợp nghiêm trọng hơn sẽ tăng nguy cơ lệch mũi, mũi gồ, định hình không chuẩn. Nếu xuất hiện mụn mủ, mụn viêm nhiều ở mũi sau khi tiêm filler, bạn nên đến khám với bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
3. Tiêm filler mũi bao lâu thì ổn định?
Thời gian ổn định sau tiêm filler mũi của mỗi người khác nhau. Quá trình phục hồi phụ thuộc vào:
- Bác sĩ đã điều trị cho bao nhiêu khu vực.
- Loại chất làm đầy được sử dụng.
- Sức khỏe tổng thể của bạn.
Đa số mọi người có thể làm việc, sinh hoạt bình thường ngay sau khi tiêm chất làm đầy da. Tuy nhiên, bạn nên tạm dừng tập thể dục hoặc hoạt động thể chất mạnh trong 1 tuần, tránh áp lực lên vùng được tiêm từ 1 – 2 tuần sau khi điều trị.
4. Tiêm filler mũi có thời hạn bao lâu?
Tiêm filler mũi có thời hạn tạm thời, tùy thuộc vào loại chất làm đầy được sử dụng và cơ địa từng người mà kết quả thường kéo dài từ 1 đến 2 năm.
5. Tiêm filler mũi giá bao nhiêu ?
Tiêm filler mũi mỗi cơ sở y tế sẽ có giá khác nhau, tùy thuộc vào chuyên môn, tay nghề, kinh nghiệm của bác sĩ, loại chất làm đầy được sử dụng, trang thiết bị, chính sách bảo hiểm được áp dụng mà mức giá sẽ khác nhau.